
TS.Nguyễn Vũ Quỳnh, Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ về hiệu quả, tác động của Hội thi sáng tạo kỹ thuật tại Hội thảo.
Đối với trường Đại học Lạc Hồng, bên cạnh việc ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo thì lãnh đạo Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên, có những đầu tư và khích lệ thích đáng để hoạt động này thật sự đi vào chiều sâu, đạt chất lượng tốt. Phong trào nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên đã mang về cho nhà trường không ít giải thưởng của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các giải thưởng quốc tế và đặc biệt là Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai. Nhiều đề tài mang tính thực tiễn cao được chuyển giao cho các công ty và doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Đặc biệt là có các đề tài được ứng dụng và đi vào đời sống thực tế của bà con nhân dân khu vực trong tỉnh.
Tôi xin phép điểm lại một số thành tích nổi bật của trường Đại học Lạc Hồng trong 10 năm trở lại đây.
Hiện tại, có thể nói phong trào nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sáng tạo Robot đã trở thành điểm sáng đáng tự hào khi nhắc đến ngôi trường mang tên Đại học Lạc Hồng. Với phong trào sáng tạo Robot, cuộc thi chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu, các phương tiện truyền thông đã liên tục nhắc đến tên Đại học Lạc Hồng; bảy năm vô địch cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2017, đoạt 2 giải ba, 3 giải nhì và một chức vô địch trong cuộc thi Robot Châu Á – Thái Bình Dương năm 2014; 3 năm liên tiếp (2015 đến 2017) đội tuyển LH - Gold Energy vinh dự mang chức vô địch cuộc thi Shell Eco Marathon về cho Việt Nam trong cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu. Trong giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ, sinh viên trường cũng đã giành được 3 giải nhất, 3 giải nhì, 6 giải ba và 23 giải khuyến khích; Tại giải thưởng Tài năng khoa học trẻ dành cho giảng viên, trường đạt được 3 giải nhì, 1 giải ba và 5 giải khuyến khích; Trong giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Vifotec, trường đạt được 3 giải nhì, 1 giải ba và 5 giải khuyến khích. Trong 2 năm 2016 và 2016 trường tham gia giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Trung tâm Sáng tạo trẻ Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, trường cũng đã đạt được 1 giải ba và 1 giải khuyến khích.

Giải pháp robot dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai của sinh viên trường đại học Lạc Hồng.
Đặc biệt, tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Tỉnh Đồng Nai, trường Đại học Lạc Hồng hầu như đứng đầu giải thưởng hằng năm với 13 giải nhất, 21 giải nhì, 29 giải ba và 56 giải khuyến khích. Nhiều đề tài đạt giải cũng trở thành các hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các công ty trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2003 đến nay hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp ở trong và ngoài nước số lượng 31 đề tài với tổng số tiền 1.977.194.000 đồng (Một tỷ chín trăm bảy mươi bảy triệu một trăm chín mươi bốn nghìn đồng) giúp cho Doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế chi phí đáng kể trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu để ứng dụng vào thực tế cho cuộc sống và sản xuất cho bà con nông dân trong tỉnh tăng thêm thu nhập, đỡ phần công sức như:
Đề tài: Nghiên cứu chế tạo thuốc bảo vệ thực vật xử lý bệnh nấm hồng trên cây cao su ở tỉnh Đồng Nai bằng công nghệ nano (nano bạc và nano kẽm).
Đề tài: Phân lập, tuyển chọn một số vi khuẩn probiotic phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Đề tài: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bộ điều khiển hệ thống tưới nước tự động bằng điện thoại di động.
v.v…
Mỗi giải pháp đoạt giải phải trải qua nhiều vòng trắc lọc, đánh giá về nhiều khía cạnh như: thể hiện rõ nét tầm ứng dụng vào thực tiễn, thể hiện tính mới, tính sáng tạo. Từ đó phải chứng minh được khả năng áp dụng thực tiễn thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng sản xuất thử... Quy mô để đánh giá giải thưởng còn được BTC căn cứ vào hiệu quả kinh tế của giải pháp dự thi là lợi ích trực tiếp có thể thu được khi áp dụng giải pháp mới vào thực tiễn công tác và sản xuất. Hiệu quả kỹ thuật thể hiện bằng những chỉ tiêu kỹ thuật mới, tiến bộ hơn so với kỹ thuật đã biết trước đó. Cạnh đó là xét về hiệu quả xã hội như cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ sức khỏe, điều kiện làm việc, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động...
Giảng viên, sinh viên khoa Cơ điện - Điện tử nhận giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2016.
Thông qua việc tổ chức các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ, nhiều đề tài, công trình, giải pháp có tính mới, tính sáng tạo và tính ứng dụng đã thực sự đi vào đời sống, sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường… Những kết quả trên đã khơi dậy được niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân…. Số lượng cá nhân, đơn vị tham gia ngày càng gia tăng, số lượng và chất lượng các đề tài, công trình, giải pháp đăng ký dự thi năm sau luôn cao hơn năm trước.
Các đề tài tham gia phong trào, hội thi sáng tạo kỹ thuật được các cơ quan, công ty, xí nghiệp và nhân dân quan tâm. Tạo điều kiện thuận lợi để các tác giả triển khai, thực hiện công trình nghiên cứu trong thực tế và đã đem lại kết quả cao bà con nông dân cũng như các công ty, xí nghiệp…Đem đến hiệu quả cao trong sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai.
Trên đây là bài tham luận về Hiệu quả, tác động của các phong trào, hội thi sáng tạo kỹ thuật đến sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai mà Trường Đại học Lạc Hồng đã có được trong thời gian qua.
Cảm ơn quý đại biểu đã chú ý lắng nghe. Kính chúc quý đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!