Tại hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam bộ lần thứ XIII, nhiều đại biểu đều đánh giá cao vai trò của KH&CN trong sự phát triển của Vùng
* Sát cánh cùng doanh nghiệp
Những năm qua, KH&CN trong vùng luôn sát cánh hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại…để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu đã hỗ trợ được 10 doanh nghiệp với 83 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 20-60%. Đồng thời hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp kiểm toán năng lượng cũng như phát triển hệ thống chất lượng.
Đồng Nai thông qua “Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2011-2015” đã hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ, tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chế tạo nguyên vật liệu mới hoặc sử dụng nguyên vật liệu trong nước thay cho nhập khẩu. Cùng với đó, tỉnh còn hỗ trợ 49 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống ISO trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là 2 địa phương có tốc độ đổi mới công nghệ tốt nhất trong vùng. Tính đến năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh có số doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ đạt 21,21%. Còn đối với Đồng Nai đến cuối năm 2014, ước giá trị sản xuất công nghiệp của nhóm ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, giá trị tăng cao chiếm khoảng 40,09% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Mô hình lò sấy năng lượng mặt trời thuộc một đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh Bình Dương
Hỗ trợ hơn 524 triệu đồng cho các doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, đó là việc mà Bình Dương đã thực hiện được từ 2011 đến nay. Còn Bình Phước từ năm 2011-2013 đã hỗ trợ được 7 doanh nghiệp đổi mới công nghệ với kinh phí hỗ trợ hơn 2,4 tỷ đồng. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ cho 35 lượt doanh nghiệp với kinh phí gần 3 tỷ đồng...
Đặc biệt, các Sở KH&CN trong vùng đã quan tâm hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia bảo hộ tài sản trí tuệ. Kết quả từ năm 2011-2014 đã có hơn 32 ngàn văn bằng chứng chỉ được cấp. Nhờ đó, rất nhiều sản phẩm đã được công nhận thương hiệu mang lại giá trị kinh tế, mở rộng vùng sản xuất, có vị thế trên thị trường.
* Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả
Các địa phương đã chú trọng đến hoạt động nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa. Trong lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu, phát triển một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của vùng như: thủy – hải sản; khảo nghiệm các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cơ khí, tự động hóa, công nghệ sinh học vào bảo quản, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt…Ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã tập trung phát triển hoàn thiện các sản phẩm chính của doanh nghiệp. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế, chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu; Đồng Nai phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin với các sản phẩm M-Office, I-Office, phần mềm Một cửa điện tử phục vụ cải cách hành chính…Các đề tài khoa học xã hội và nhân văn được triển khai khá toàn diện về các mặt đời sống, xã hội, con người, tạo cơ sở và lý luận thực tiễn cho việc xây dựng mô hình nông thôn mới, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cũng như giới thiệu, tuyên truyền nét văn hóa đặc sắc của từng địa phương.

Tập huấn Sở hữu trí tuệ tại Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai
Ông Hồ Ngọc Luật – Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN nhận định, thời gian qua, hoạt động nghiên cứu ứng dụng đã đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng các ngành kinh tế của các địa phương trong vùng, có tác động to lớn trong việc phát triển các ngành sản xuất, đạt được nhiều thành tựu.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thành công, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất. Tiêu biểu như đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu và biên hội loạt bản đồ địa chất công trình tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” đã phục vụ lập quy hoạch, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch các tuyến giao thông vận tải, quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn, quy hoạch ngành du lịch biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hay đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời công suất 40m3 cho sản phẩm gỗ và mây tre lá” của tỉnh Bình Dương đã tiết kiệm 50% giá thành sấy và thời gian thu hồi vốn nhanh hơn, chỉ bằng ½ thời gian so với sấy hơi nước. Đồng Nai với dự án “Xây dựng và phát triển mô hình cây thanh long ruột đỏ có hiệu quả cao tại huyện Trảng Bom” đã xây dựng được 10 ha trồng cây thanh long ruột đỏ an toàn theo hướng VietGap, giúp người nông dân làm giàu, mang lại lợi nhuận 150 triệu đồng/ha/năm…Còn Thành phố Hồ Chí Minh thì nghiên cứu thành công dự án “Thiết kế chế tạo máy ép trục khuỷu sản xuất viên nhiên liệu làm chất đốt từ phế thải sinh khối” đã khẳng định việc làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất máy ép….

Dư án sản xuất mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn VietGap của Đồng Nai góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây mãng cầu xiêm trong tỉnh
Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, thời gian tới, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của vùng Đông Nam bộ cần tiếp tục hướng tới doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trọng tâm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh.
L.Hương